Nhu cầu về chính phủ điện tử
Chính phủ điện tử (CPĐT) là một xu thế ngày càng phổ biến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) do sự gia tăng dân số chưa từng thấy, dẫn đến nhu cầu cao hơn trong việc cung cấp các dịch vụ công với chất lượng và có hiệu quả chi phí cao hơn. CPĐT là việc ứng dụng CNTT-TT (ICT) trong việc cung cấp các dịch vụ của Chính phủ, trao đổi thông tin, thực hiện các giao dịch trực tuyến, tích hợp nhiều hệ thống và dịch vụ khác nhau giữa các cơ quan chính phủ (CQCP), công dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN). CPĐT rất hữu ích trong việc cải thiện và đổi mới các mối quan hệ với công dân và DN.
Theo một nghiên cứu mới đây của Frost & Sullivan tại khu vực CA-TBD, 21% số người được khảo sát trong lĩnh vực chính phủ đã ứng dụng một số mô hình điện toán đám mây (ĐTĐM) nhất định. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy rằng, với những lo ngại liên quan đến bảo mật dữ liệu và vị trí đặt trung tâm dữ liệu của các CQCP, các mô hình ĐTĐM riêng và ĐTĐM lại đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi tại khu vực này. Việc ứng dụng ĐTĐM không chỉ hỗ trợ triển khai CPĐT mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chính phủ khác nhau trong khu vực đã thực hiện bước đi này.
Năm 2009, Bộ KHĐT đã nhận thấy rằng, hệ thống hạ tầng CNTT của Bộ khi đó vừa có chi phí vận hành bảo dưỡng lớn lại vừa kém hiệu quả. Mặt khác, do nhận thấy tính thuận tiện và hiệu quả của CPĐT nên tháng 10/2009, Bộ KHĐT đã quyết định xây dựng một trung tâm dữ liệu (TTDL) nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng nội bộ như một bước đi đầu tiên. Đầu năm 2011, Bộ KHĐT đưa TTDL này vào hoạt động chính thức, nhờ đó góp phần nâng cao khả năng bảo mật, kiểm soát nội bộ cũng như gia tăng mức độ chặt chẽ trong hoạt động quản lý.
Trước khi triển khai công nghệ của Cisco, Bộ KHĐT cũng đã có các nhu cầu về triển khai tập trung hóa máy chủ, cân bằng tải và cải thiện hiệu năng ứng dụng cho những người dùng ở xa, nâng cao độ sẵn sàng ứng dụng và triển khai ứng dụng một cách nhanh chóng hơn. Ngoài các vấn đề về hiệu năng ứng dụng, trong một số trường hợp, hệ thống hạ tầng CNTT cũ trước đây của Bộ KHĐT còn gặp khó khăn do bị quá tải máy chủ.
Theo đại diện Bộ KHĐT, việc phát triển mô hình CPĐT tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một trong những động lực quan trọng, góp phần giúp Việt Nam tránh bị tụt hậu về ứng dụng CNTT so với các nước tiên tiến và phát triển trên thế giới; giúp Việt Nam hội nhập quốc tế nhanh, sâu rộng, bền vững và hiệu quả hơn; thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính có kết quả và hiệu quả hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu suất, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính công quyền, tăng tính công khai, minh bạch và giải trình, phòng, chống và hạn chế những việc làm gây lãng phí, thất thoát các nguồn lực của Nhà nước; nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của hàng hóa, của DN và quốc gia Việt Nam trên trường Quốc tế.
Lợi ích cho quản lý công
|
ĐTĐM tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá về phương thức hoạt động của các tổ chức. ĐTĐM có các tính năng đặc biệt như là cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, khả năng mở rộng tức thời và mô hình tiêu thụ tài nguyên theo mức tải công việc. Tất cả những điều đó giúp hạ thấp tổng chi phí sở hữu, giảm bớt gánh nặng về cơ sở hạ tầng và quản lý, đáp ứng được nhu cầu tài nguyên, xử lý các công việc tăng đột biến, triển khai ứng dụng một cách nhanh chóng hơn. Sự kết hợp của mô hình CPĐT với ĐTĐM mang lại nhiều lợi ích: Quản lý tích hợp với khả năng tự động giải quyết vấn đề, an ninh được quản lý một cách toàn diện, dự toán ngân sách được xây dựng phù hợp với mức độ sử dụng dữ liệu thực tế.
Ở cấp độ quốc gia, các kiến trúc điện toán đám mây có thể mang lại nhiều lợi ích cho Chính phủ để loại bỏ bớt các dự án chồng chéo và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Điều đó cũng giúp Chính phủ bảo vệ môi trường, hạ thấp mức độ ô nhiễm và quản lý phế thải một cách hiệu quả.
Các DN lớn cũng như các DN vừa và nhỏ đã khai thác được nhiều lợi ích của ĐTĐM thông qua ứng dụng mô hình dịch vụ trả tiền theo mức độ sử dụng, khả năng mở rộng và độ sẵn sàng cao của ĐTĐM. Vì có nhu cầu về một cơ sở hạ tầng rất lớn so với các DN, điều quan trọng là Chính phủ phải sử dụng một cơ sở hạ tầng ĐTĐM có khả năng hỗ trợ các mục tiêu dài hạn.
Đầu tư cho hiện tại và tương lai
Bộ KHĐT là một trong những CQCP Việt Nam đi tiên phong trong công tác quản lý điều hành điện tử. Quá trình triển khai công nghệ của Cisco diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 3/2011. Có rất nhiều công nghệ được triển khai, trong đó những thiết bị có thể giải quyết những khó khăn trước mắt của Bộ KHĐT bao gồm Nexus 7010, ASA 5580 – 40 và Hệ thống Điện toán Hợp nhất (UCS).
Thiết bị chuyển mạch Cisco Nexus 7000 Series được trang bị một số tính năng độc đáo, bao gồm cả chức năng quản lý tự động (lights-out), khả năng thu và giải mã gói tích hợp; ảo hóa chuyển mạch sáng tạo, cho phép khách hàng đơn giản hóa đáng kể cơ sở hạ tầng chuyển mạch, hạ thấp chi phí, mức tiêu thụ điện năng và làm mát, cũng như độ phức tạp trong quản lý.
Thiết bị an ninh thích ứng (ASA) là một giải pháp tường lửa tiên tiến, trong đó bao gồm nhiều tính năng như hỗ trợ nhiều ngữ cảnh an ninh khác nhau, tường lửa trong suốt ở lớp 2 hoặc hoạt động tường lửa có định tuyến trên lớp 3, cùng với các năng lực kiểm tra an ninh tiên tiến.
Hệ thống máy chủ tại Bộ KHĐT |
Hệ thống điện toán hợp nhất (UCS) cung cấp mật độ máy chủ ảo cao hơn cùng kết nối chuẩn hóa và khả năng tập trung hóa các ứng dụng. Nó cung cấp khả năng quản lý nhúng, hợp nhất của tất cả các thành phần phần cứng và phần mềm trên hệ thống điện toán hợp nhất Cisco UCS, có thể điều khiển nhiều khung (chassis) máy và hàng nghìn máy chủ ảo.
Bộ KHĐT ưu tiên tập trung sử dụng TTDL để triển khai các ứng dụng CNTT trực tuyến, chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư, đảm bảo phục vụ mọi đầu mối, đối tượng có liên quan về Kế hoạch và Đầu tư, từ các bộ, ngành đến các đơn vị cơ sở tại các địa phương và cộng đồng.
Các dự án đang được ưu tiên tiếp theo gồm: Hệ thống thông tin phục vụ theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội; Hệ thống phân tích và dự báo kinh tế - xã hội; Cơ sở dữ liệu quốc gia về DN; Cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án đầu tư; Hệ thống theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm và hàng năm;…và nâng cấp Cổng thông tin điện tử Bộ KHĐT (MPI Portal) theo hướng tích hợp thống nhất các nguồn lực thông tin của Bộ, đạt các chuẩn quốc tế về lưu trữ, bảo mật và trao đổi thông tin, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin đa dạng của mọi đối tượng về Kế hoạch và Đầu tư một cách thiết thực và thuận tiện nhất.