Xây dựng theo chiến lược kinh doanh
Các nhà quản lý doanh nghiệp ngày nay đã xem CNTT như một công cụ hữu ích để phân tích các chiến lược về sản phẩm, khách hàng... dựa vào chi phí, giá sản phẩm hoặc so sánh giá. Tại hầu hết các công ty, những dữ liệu này có ở một bộ phận nào đó nhưng không dễ dàng tìm kiếm và kết hợp các dữ liệu này lại để phục vụ quá trình ra quyết định.
Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc giải pháp Công ty CSC Vietnam cho rằng, muốn xây dựng chiến lược CNTT tốt, CIO hoặc IT manager phải lên chiến lược CNTT theo chiến luợc kinh doanh của công ty. Lý do vì CNTT là công cụ phục vụ sản xuất kinh doanh. Nếu không thiết lập những công cụ phù hợp với chiến lược kinh doanh thì công ty khó phát triển.
CIO phải hiểu chiến lược kinh doanh của công ty, các kỳ vọng đặt ra, trên cơ sở đó hình dung được các phạm vi chiến lược. Hoặc, có thể xây dựng chiến lược dựa trên ngân sách mà công ty chi. Nếu "vẽ" một chiến lược không có tiền đầu tư thì chỉ tốn thời gian và tiền bạc. CIO nên đặt mình vào vị trí của sếp và đặt ra câu hỏi tại sao lại chỉ có thể chi từng đó ngân sách cho CNTT; với chi phí bỏ ra như vậy công ty sẽ được lợi gì?
Xác định điểm mạnh, yếu của thị trường
Ông Lê Công Hùng, Giám đốc cấp cao Ứng dụng CNTT - châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Liberty International nói: Cần xác định điểm mạnh, điểm yếu của thị trường trong tương lai. Tiếp theo cần xác định thế mạnh của công ty và đối thủ trong cùng lĩnh vực. Từ đó, CIO mới định hình chiến lược CNTT theo chiến lược kinh doanh của công ty. Hướng công ty vượt lên trước bằng một số thế mạnh để dẫn đầu thị trường.
Điểm mạnh của công ty có thể thay đổi. Có thể điểm mạnh năm nay là công nghệ nhưng khi đối thủ cũng tập trung đầu tư công nghệ mạnh tương tự thì CIO phải điều chỉnh chiến lược. Mỗi CIO nên xác định thế mạnh trong 5 năm tới của công ty rồi định hướng phát triển. Song song đó là dự trù các yếu tố sẽ phải bổ sung sao cho phù hợp với sự phát triển.
Liên kết với giám đốc các bộ phận
CIO không thể thiếu liên kết với giám đốc các bộ phận để hiểu sâu hơn hướng đi và chiến lược của từng bộ phận. Chẳng hạn để phục vụ tốt khách hàng, công ty cần những gì? Quy trình thu chi của bộ phận tài chính kế toán như thế nào? Hoạt động thanh toán diễn ra trực tuyến hay thủ công? Quy trình đưa sản phẩm ra thị trường như thế nào?
|
Sau khi cùng với tất cả các giám đốc phòng ban định vị được mô hình kinh doanh của công ty, CIO mới lên chiến lược CNTT cho từng mảng trong 3-5 năm tới. Marketing cần những công cụ gì: online marketing (tiếp thị trực tuyến), media marketing (tiếp thị truyền thông)? Bộ phận nghiên cứu thị trường đánh giá sản phẩm bằng công cụ gì? Trong 3 năm tới nếu công ty có 1 triệu khách hàng thì quản lý thông tin khách hàng như thế nào?
"Các yếu tố về năng lực tổ chức, đội ngũ nhân viên trong công ty ảnh hưởng đến chiến lược công ty và sẽ thay đổi. Do vậy, chiến lược CNTT cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi. Tuy nhiên, phải tiên lượng xem việc thay đổi có phù hợp với công ty không? Ngoài ra, CIO cần xem xét công nghệ đang sử dụng đã đủ chức năng phục vụ cho công việc chưa. Nếu chưa đủ thì bản thân CIO cần phát triển và xây dựng thêm, có thể tìm thêm nhà tư vấn, chuyên gia giúp đỡ", ông Hùng nhận xét thêm.