Nhiều nghịch lý
Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT đang được Bộ TTTT tập hợp ý kiến đóng góp, xây dựng. Sáng 4/4/2012 tại TP.HCM, Hội Tin học TP.HCM (HCA) đã tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định này. Hầu hết đại biểu tham dự đều cho rằng dự thảo còn chồng chéo, thông tin lan man, ý đồ không rõ ràng.
"Doanh nghiệp CNTT còn "lạc hậu" trong đóng góp ý kiến. Họ thường viện cớ bận bịu không góp ý cho các dự thảo, trong khi đó là quyền lợi của chính DN và có tác động đến họ sau này", ông Chu Tiến Dũng góp ý các DN tại buổi tọa đàm. |
Theo ông Lê Trường Tùng, dự thảo chưa tập trung, nhiều điều khoản trong dự thảo còn thiếu tính chặt chẽ. Cụ thể, trong điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có ghi "cấm cung cấp dịch vụ CNTT cho tổ chức, cá nhân để tổ chức cá nhân đó sử dụng vào các hoạt động bất chính nhằm gây phương hại đến nhà nước, xã hội, môi trường, tổ chức, cá nhân khác". ”Đây là một nghịch lý, vì khi doanh nghiệp cung cấp cho cá nhân tổ chức không bao giờ doanh nghiệp (DN) đó biết được tổ chức đó sử dụng dịch vụ vào mục đích gì và chính tổ chức đó cũng không bao giờ nói ra cái mục đích sử dụng của họ", ông Tùng phát biểu.
Nghịch lý thứ 2 là điều 9 dự kiến quy định về chế độ ưu đãi đối với hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu phát triển về CNTT. Điều này ghi “Khoản kinh phí của tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu - phát triển về CNTT của các sở ngành đào tạo, các trung tâm nghiên cứu – phát triển được tính vào chi phí hợp lý của tổ chức, cá nhân khi tính thuế”. Ông Tùng nhận định: Điều này về mặt ý tưởng thì tốt nhưng về tính chặt chẽ thì không bởi chi phí hợp lý được quy định trong thuế thu nhập DN, thế nên điều này phải được chuyển về và bổ sung trong thuế thu nhập DN.
Mặt khác, chi phí hợp lý không giới hạn là bao nhiêu cho nên sẽ tạo điều kiện cho hành vi chuyển thuế hợp pháp. Thông thường, tổ chức đào tạo là tổ chức con của DN nên bao nhiêu phần lời thu được DN sẽ chuyển hết sang cơ sở đào tạo, dưới dạng tài trợ. Trong khi đó, thuế suất thu nhập đào tạo của DN là 10%, còn thuế TNDN của DN là 25%, như vậy cái phần chênh lệch đó DN giữ và đây là hành vi tạo điều kiện để cho chuyển thuế hợp pháp.
Thiếu phân quyền
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tich Hội Tin học TP.HCM, cho rằng hiện nay Bộ TTTT còn “tập quyền” chứ chưa phân quyền, DN thì phát triển ở địa phương nhưng việc cấp đăng ký, quản lý thì địa phương không có quyền, không có vai trò. Ví dụ: Đối với ngành nghề xây dựng, việc cấp phép, quản lý do Sở Xây dựng, trừ những trường hợp đặc biệt thì Bộ Xây dựng sẽ xem xét và cấp phép, trong khi đó, bất kỳ thủ tục về đăng ký kinh doanh, đăng ký sản phẩm, dịch vụ đều do Bộ TTTT quản lý. Sở không có quyền cấp phép hay quản lý dẫn đến chậm tiến độ, cản trở DN phát triển. Đặc biệt, trong nghị định này thiếu tính chế tài.
Ông Lữ Hồng Chương, Phó Tổng giám đốc MISA góp ý sửa đổi lại điều 17 về chứng chỉ hành nghề CNTT, trong đó có ghi “người được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn CNTT phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hành nghề xin đăng ký; có đủ kinh nghiệm tham gia các dự án, công trình về CNTT; đã qua lớp nghiệp vụ về bồi dưỡng CNTT”, như vậy hoàn toàn không hợp lý. Bởi lẽ, có nhiều nhà tư vấn không có bằng đại học chuyên ngành đó nhưng họ vẫn làm tốt. Có những người có nhiều kinh nghiệm hơn tốt nghiệp đại học, thậm chí không học ngành đó nhưng có quá trình tích lũy kinh nghiệm và trở thành những chuyên gia giỏi. Do vậy, nếu cứ quy định phải có bằng đại học mới được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn là vô lý.