Người ta gọi ông bằng những cụm từ trác tuyệt nhất: Thiên tài, phù thủy, bộ óc siêu phàm, bậc thầy phát minh...
Bởi ông đã kết nối cả thế giới, khiến cả thế giới điên đảo trước tài năng khác biệt- khi tung ra hàng loạt những sản phẩm công nghệ, đặc biệt là iPhone, iPad, iPod, iMac và iTunes
Khi rời bỏ thế gian, ông muốn ra đi trong yên tĩnh, giản dị và riêng tư, tại Palo Alto, nơi ông sống những ngày cuối đời.
Nhưng sổ tang cho ông, được cả thế giới "ghi"- theo cách của mỗi người.
Có nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Obama đã dành những lời trân trọng nhất: "Steve là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, đủ can đảm để nghĩ khác, đủ táo báo để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để làm được việc đó".
Có thiên tài - như Bill Gates - đối thủ lớn nhất của Apple phải công nhận: "Thế giới hiếm khi có được người có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Steve"....
|
Nguyên TGĐ Apple, Steve Jobs |
Và có hàng triệu thường dân họ "ghi" sổ tang theo cách riêng mình. Một giọt nước mắt, một trái táo, một cây nến trắng, một bông hoa, một dòng chữ hâm mộ, đầy biết ơn. Thậm chí, có khi chỉ là một dáng ngồi đau buồn lặng lẽ....
Để viết về ông và hiểu sâu về ông, đã có hàng triệu bài báo, cuốn sách. Người viết bài chỉ cảm nhận, kỳ lạ thay cuộc đời một con người khi rời bỏ thế gian, lại khiến cho nhân gian tìm thấy rất nhiều triết lý sống ở đời. Đó là:
Bằng cấp không phải là cái duy nhất để tiến thân và thành đạt: Giống như Bill Gates thiên tài, bỏ học dở dang khi đang học ĐH Harvard danh tiếng, Steve Jobs bỏ học chỉ sau 6 tháng theo học ở một trường ĐH. Nhưng ĐH của ông chính là cuộc đời, người thầy hướng đạo cho ông chính là những khát vọng mãnh liệt mong muốn khám phá và thay đổi thế giới. Và ông đã thành công trong cái trường học này. Không có bằng ĐH, nhưng ông sở hữu hoặc đồng sở hữu tới hơn 230 bằng sáng chế được trao giải.
Môi trường làm việc công bằng cho mọi tài năng sáng tạo: Năm 1976, lúc mới 21 tuổi, cùng với người bạn Steve Wozniak, 26 tuổi, ông khởi nghiệp "hãng máy tính" mang tên Apple bắt đầu từ trong một cái gara xe hơi. 35 năm sau, ông trở thành người khổng lồ của lĩnh vực điện toán, nhạc số và viễn thông, với một công ty tầm cỡ quốc tế và cả ngàn nhân viên khắp toàn cầu.
Quãng giữa từ lúc trẻ đến khi rời bỏ thế gian, là không ít thăng trầm và biến động của một số phận khác thường. Nhưng ở bất cứ vị thế nào, sáng tạo đỉnh cao và khó tính đến mức cầu toàn, để cho ra đời những sản phẩm thanh nhã- kết hợp hoàn mỹ giữa công nghệ và thẩm mỹ- là một tố chất, một tư chất "khác biệt" nữa. Tố chất và tư chất ấy, gặp được môi trường làm việc mà cơ hội thăng tiến đều giành cho mọi con người như nhau, thì thiên tài ắt xuất hiện.
Sống là để dâng hiến: Cuộc đời và sự sáng tạo của Steve Jobs, kể cả khi đã chết đi rồi, cho con người ta một khái niệm cao đẹp- sống là để dâng hiến. Biết mình không qua khỏi bạo bệnh, ông đã lên kế hoạch cho sản phẩm Apple bốn năm tới, đấu tranh để dự án xây dựng đại bản doanh mới mang hình phi thuyền của Apple tại California (Mỹ) được phê chuẩn.
Một con người có thể thay đổi cả thế giới:Không hề ý thức mình đã làm việc cho sự phát triển của cả nhân loại, nhưng những sản phẩm công nghệ tuyệt hảo của ông và cộng sự thực chất đã kết nối thông tin cả thế giới, đem lại cuộc sống tinh thần dân chủ cho rất nhiều quốc gia chậm phát triển.
Có một điểm duy nhất: Biểu tượng Trái táo bị cắn dở đến giờ vẫn còn là sự bí ẩn. Phải chăng, ông muốn mượn sự tích trong Kinh Thánh: Adam và Eva đã trót ăn trái cấm, và từ đó có sự sinh sôi.
Còn nhân loại "trót" dùng trái cấm của ông, mà phát triển?
Chợt nghĩ tới đổi mới của xã hội chúng ta. Vật cản sự phát triển và trái cấm của sự phát triển. Nghĩ về sự khác biệt của vật cản và trái cấm.
Khác biệt hoàn toàn cả về nhân sinh.