Công ty cổ phần thông tin IVINH - 87 Minh Khai - TP Vinh - Nghệ An

 
 

Thông tin chi tiết

  • Chính phủ điện tử: Thành tựu & thách thức
  • Gần đây, hạ tầng thông tin truyền thông (TTTT) Việt Nam đã tiến bộ. Tuy vậy, Việt Nam chưa được đánh giá cao ở mức độ sẵn sàng cho Chính phủ điện tử (CPĐT).
  • Hành chính điện tử

    Sau gần 4 năm phát triển, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã trở thành kênh cung cấp thông tin chính thống của Chính phủ trên Internet; đem lại nhiều tiện ích cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp (DN); hình thành nhịp cầu trực tuyến gắn bó mật thiết Chính phủ với nhân dân… Việc Chính phủ công bố cơ sở dữ liệu (CDSL) quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC) lên Internet ngày 26/10/2009 đã là sự kiện trong lịch sử hành chính nước ta. 

    CSDL quốc gia về TTHC của ta là hệ thống thông tin về TTHC và các văn bản quy định về TTHC tại 4 cấp chính quyền liên quan giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức, DN. Mục tiêu của nó là cung cấp địa chỉ duy nhất để người dân, DN trong hay ngoài nước có thể truy cập, tìm kiếm, tiếp cận thông tin về các TTHC, các quy định của TTHC. Mỗi cá nhân, tổ chức và DN đều có thể đóng góp ý kiến và tham gia rà soát TTHC. Đây là lần đầu kể từ khi giành độc lập, Chính phủ Việt Nam tập hợp, xây dựng bộ CSDL quốc gia về TTHC. 

    Ở một diễn biến khác, qua công bố của các bộ, ngành, địa phương theo đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực QLNN giai đoạn 2007 - 2010 (đề án 30) của Chính phủ, tổng số TTHC đang được thực hiện lên đến hàng nghìn. “Vô địch” là Bộ Tài chính tới 840 thủ tục (Thuế 330, Hải quan 239). Để khắc phục, Bộ Tài chính tăng sử dụng CNTT, cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế; áp dụng nộp hồ sơ khai thuế qua mạng với các DN ở những địa bàn có điều kiện (đảm bảo khoảng 80% số thu ngân sách nhà nước (NSNN)); mở rộng triển khai dự án thu NSNN qua ứng dụng và kết nối thông tin giữa cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và tài chính; triển khai dự án “Nộp thuế qua ngân hàng” trên các địa bàn lớn (qua ATM, tài khoản…).

    Tin học hoá “là phương tiện” vì thông qua các hệ thống CNTT, bộ máy hành chính nhà nước có thể liên kết với nhau. Tin học hoá “là áp lực” vì mọi trì trệ, ách tắc của bộ máy sẽ lộ diện qua môi trường điện tử hóa như “gương phản chiếu”.

    Ngành hải quan mở rộng khai hải quan từ xa qua mạng, nâng tỷ lệ khai hải quan từ xa trên cả nước lên 80% năm 2009 và trên 90% năm 2010; xây dựng quy trình quản lý, giám sát hải quan cảng biển quốc tế, hàng hóa chuyển phát nhanh quốc tế, quy định về địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, đầu tư phương tiện hiện đại hóa giám sát kiểm tra hải quan; thực hiện đề án nâng cấp, đổi mới hệ thống quản lý rủi ro, đến cuối năm 2009 giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế xuống dưới 20%, trong đó 70% các lô hàng kiểm tra thực tế hàng hóa được dựa trên tiêu chí quản lý rủi ro… Tổng cục Hải quan đã đề nghị đưa ra khỏi Bộ TTHC 11 thủ tục, đề nghị huỷ bỏ 5 TTHC, sửa đổi bổ sung 111 TTHC. Chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật triển khai thủ tục hải quan điện tử, ngành đang nâng cấp, bổ sung thiết bị, đường truyền, cài đặt phần mềm thông quan điện tử, đào tạo vận hành cho nhân viên, DN.

    Ngành GDĐT đã triển khai kết nối Internet băng rộng tới các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn, thử nghiệm hệ thống Google email cho học sinh, đảm bảo mỗi học sinh có 1 email theo tên miền Sở. Năm học 2008 - 2009, nhiều địa phương đẩy mạnh tin học hóa quản lý đến từng trường phổ thông, cấp mã số thẻ học sinh thống nhất toàn quốc và cung cấp học bạ điện tử cho học sinh theo chủ trương của Bộ. Phần mềm Quản lý học bạ eSR (xây dựng trên mô hình Internet với công nghệ tiên tiến nhất ASP.NET 1.1 của Microsoft) đã cho phép quản lý quá trình học tập của học sinh một cách toàn diện, là cầu nối liên lạc giữa gia đình và nhà trường…

     

    CNTT với cải cách hành chính

    Tính từ năm 1995 bắt đầu khởi xướng CPĐT đến nay, đã 14 năm. Việt Nam đã có nhiều thành công và bài học. Đã triển khai CPĐT thì không thể đợi đến khi kinh tế phát triển; ứng dụng CNTT tốt thì QLNN sẽ nhàn, DN, người dân bớt bị phiền hà, CCHC hiệu quả… 2009 - 2010 là giai đoạn bản lề, tiến tới kế hoạch xây dựng CPĐT ở giai đoạn 2011 - 2015 với các mục tiêu: đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; đổi mới quản lý tài nguyên thông tin; xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các CQNN…

    Hiện đang có nhiều cách đơn giản hóa TTHC, ví dụ: bỏ TTHC đó hoặc giảm thời gian chờ thực hiện tránh làm mất cơ hội kinh doanh cho các DN và địa phương... Hoặc để lấy mã số thuế và đăng ký kinh doanh, chúng ta đã rút được từ 30 - 35 ngày chờ xuống còn 5 ngày. Để có bước chuyển này, chúng ta đã mất vài năm. Đẩy mạnh ứng dụng CPĐT gắn với CCHC cũng sẽ là một chỉ số cạnh tranh mà địa phương cần tính. Ở đây, tin học hóa hành chính nhà nước (HCNN) vừa là phương tiện, vừa là áp lực với CCHC.

    Nếu dịch vụ công được cung ứng qua hệ thống CNTT, ở đó sẽ không có ranh giới giữa các cơ quan, các cấp… mà chỉ thấy các loại dịch vụ được cung ứng. Người dân, DN không cần biết ai là người giải quyết thủ tục cho họ, chỉ biết thủ tục được giải quyết thế nào và khi gặp vướng mắc, họ có được quan tâm, giải quyết không. Cách thức này đòi hỏi sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, các cấp trong giải quyết TTHC như những hệ thống thông suốt các “dòng chảy thông tin”. Những điều trên chỉ đạt được xuất phát từ ý chí của CCHC chứ không phải từ năng lực của CNTT.

    Tại Việt Nam, mật độ người dùng điện thoại là 88,7%, Internet 24,2%, băng rộng 2,33%. Trên 60% cơ quan nhà nước cấp tỉnh có mạng LAN, trên 90% có Internet, 80% là băng rộng...

    Các ứng dụng CNTT trong HCNN phải thiết lập trên cơ sở “đơn đặt hàng” của bộ máy. Mức cải cách sẽ quyết định quy mô, phạm vi của CNTT. CCHC nhắm đến tính hiệu quả, chất lượng trong cách thức hoạt động, điều hành của bộ máy HCNN, chuyển bộ máy từ chức năng “chèo thuyền” sang “lái thuyền”, chuyển “xin - cho” sang “phục vụ” và làm cho nền hành chính có khả năng kiểm soát lãng phí, thất thoát và tham nhũng. Các hoạt động phải quy trình hóa, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, quan hệ… Cho nên, thiết lập hệ thống CNTT trong CQNN phải xuất phát từ các quy trình, cơ chế và các mối quan hệ giữa các chức năng, các cơ quan và các cấp.

    Từ năm 2008, trên 80% công chức ở hầu hết bộ, ngành Việt Nam đã dùng email (Chỉ số sẵn sàng CNTT -TT Việt Nam tháng 12/2008). Các địa phương cũng vượt mục tiêu này. TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Nghệ An có tới 100% công chức dùng email của CQNN trong công việc. Hầu hết địa phương, bộ ngành hiện có website cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công, nhiều nơi đạt mức cao (3, 4). Nhiều CQNN đã họp qua mạng, tiết kiệm nhiều kinh phí. Năm 2004, CPĐT tại Việt Nam xếp thứ 112, năm 2005 xếp thứ 105 và năm 2008 xếp thứ 91 trên thế giới… Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, CPĐT của Việt Nam đã xếp hạng 90/192, tăng 1 bậc so với báo cáo năm 2008 và đứng thứ 6/10 ở Đông Nam Á. Báo cáo nhấn mạnh, phát triển CPĐT phản ánh sự sẵn sàng của Nhà nước và cả của hạ tầng viễn thông.

    Hệ thống CNTT được quyết định bởi phần ứng dụng. Phần công nghệ là phương tiện. Cho nên, yếu tố quyết định kết quả chương trình tin học hóa HCNN là xây dựng hệ thống thông tin điện tử xuất phát từ việc thiết lập lại và thay đổi các quy trình, thay đổi cách thực hiện các TTHC, thay đổi cách thức giao tiếp, làm việc giữa các CQNN với nhau và giữa các CQNN với công dân, DN. Nó đòi hỏi thời gian, công sức và trên hết là nhận thức, cách tiếp cận và ý chí cải cách. Mua sắm công nghệ là công đoạn dễ nhất, đơn giản nhất.

    Hiện, cản trở chính đối với phát triển CPĐT ở Việt Nam không phải là kỹ thuật mà là cơ chế. Vai trò đầu tàu, chỉ đạo về CPĐT và CNTT-TT còn nhiều hạn chế, thiếu truyền bá công nghệ và năng lực CNTT-TT cho khu vực tư nhân, DN vừa và nhỏ, khung pháp lý cho các hoạt động CNTT-TT còn chưa hoàn chỉnh. Những trở ngại này đang dần dần được giải quyết… 

    Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2007 - 2010 có quy định người đứng đầu các cơ quan (trực tiếp chịu trách nhiệm về CCHC) phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT. Theo đó, việc gắn kết giữa CCHC và CNTT sẽ đồng bộ. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu người đứng đầu thực sự trách nhiệm, chủ động thì những khó khăn như thiếu vốn, không đồng bộ với CCHC... sẽ được giải quyết và lực lượng CNTT cũng sẽ được tăng cường. Tuy nhiên, trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu như thế nào, nếu ứng dụng CNTT kém sẽ bị xử lý ra sao... chưa thật rõ ràng.

     

    Nguồn PC World VN

Hỗ trợ khách hàng

Hồ Hải Long: 0948.115.507

Add: 87 Minh Khai, TP Vinh, Tỉnh Nghệ An
Tel: 0948.115.507
Website: www.ivinh.com
Chờ quảng cáo