Công ty cổ phần thông tin IVINH - 87 Minh Khai - TP Vinh - Nghệ An

 
 

Thông tin chi tiết

  • Chính phủ điện tử & “tính toán mây”
  • Một chuyên gia tin học lâu năm góp ý: tính toán mây (thường gọi là điện toán đám mây) nên là ưu tiên hàng đầu trong việc chọn giải pháp phù hợp khi đầu tư hạ tầng xây dựng chính phủ điện tử.
  •  

    Mô hình hiệu quả

    Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1605/QĐ-TTg, ngày 27/8/2010. Quyết định có đề cập đến việc xây dựng Trung tâm Thông tin Dữ liệu của Chính phủ, đầu tư trang thiết bị ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, mạng thông tin phục vụ trao đổi thông tin giữa các văn phòng: CP, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước... 

    Trong quá trình triển khai đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã lưu ý việc chuẩn bị cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động tích tụ viễn thông và 

    CNTT, nhanh chóng quy hoạch hạ tầng, tiến tới sử dụng chung hạ tầng... 

    Như thế, khi triển khai những chương trình lớn về CNTT, Nhà nước luôn nghĩ đến đầu tư vốn cho phát triển, tích tụ và nghiên cứu các giải pháp phù hợp để đầu tư hạ tầng đạt hiệu quả. Tôi cho rằng, mô hình tính toán mây (TTM - Cloud Computing) nên là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Theo Viện quốc gia về Tiêu chuẩn  Công nghệ(National Institute of Standards and Technology-NIST, Mỹ), TTM có thể biến hóa thích hợp cho truy cập tức thời mạng phân bố nguồn lực tính toán (đó là các mạng, máy chủ, bộ nhớ, những ứng dụng và dịch vụ); quá trình đó có thể tăng tốc độ xử lý với sự điều hành và những dịch vụ tương tác tối thiểu. Cũng theo NIST, TTM có 5 đặc trưng cơ bản của: Dịch vụ đáp ứng tức thời, truy cập mạng lưới rộng, nguồn lực chung, cơ động nhanh và dịch vụ được phân bố. TTM là một hướng chiến lược trong phát triển CNTT cho các tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là cho phát triển CPĐT.

    Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, máy chủ chỉ mới khai thác được khoảng 15% và bỏ phí mất 85%!

    Nhiều nơi ứng dụng

    Chính phủ của nhiều nước cũng đã ứng dụng TTM có hiệu quả. Cộng đồng Châu Âu đang triển khai các hoạt động hướng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng chung theo TTM. Vương quốc Anh cũng xây dựng CPĐT “G-Cloud” (Chính phủ Mây). Nhật đang triển khai nhân rộng “đám mây Kasumigaseki” cho hệ thống tính toán của Chính phủ để giảm bớt kinh phí và tạo ra một môi trường tính toán xanh, thân thiện. Trung Quốc thì xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo trên nền tảng TTM. Thái Lan đang xây dựng TTM cho cơ quan chính phủ với dịch vụ SaaS (Phần mềm như một dịch vụ). Singapore cũng khẳng định tính ưu việt của TTM và đang xây dựng TTM. Đặc biệt, gần đây, tháng 2/2011, Mỹ công bố chiến lược TTM cho Liên bang và cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện. Người ta cho rằng, TTM sẽ xuất hiện như “một cơn sóng thần” mang nhiều công nghệ quan trọng của thập niên 2010-2020. Mối quan tâm chính của giới CIO trong những năm tới là sẽ chuyển từ ứng dụng doanh nghiệp sang TTM. Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, năm 2012, 80% trong 1.000 doanh nghiệp được bình chọn của tạp chí Fortune sẽ sử dụng một vài loại hình dịch vụ của TTM. 

    Tính toán mây sẽ xuất hiện như “một cơn sóng thần” mang nhiều công nghệ quan trọng của thập niên 2010-2020. Mối quan tâm chính của giới CIO những năm tới sẽ chuyển từ ứng dụng doanh nghiệp sang tính toán mây

    Hiện trạng tại Việt Nam

    Ở nước ta, Microsoft đã ký thỏa thuận hợp tác với FPT cùng xây dựng TTM và gần đây FPT đã tuyên bố triển khai dịch vụ TTM. Thực ra, chúng ta đã quan tâm đến vấn đề này từ nhiều năm nay. Ngay từ năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với hãng IBM xây dựng cổng thông tin VIP (VN Information for Science and Technology Advance Innovation Portal) theo mô hình TTM nhằm tạo một môi trường sáng tạo cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên chia sẻ thông tin, thiết lập một cộng đồng nghiên cứu. 

    Cũng đã có một số đề tài nghiên cứu liên quan đến tính toán lưới, TTM như đề tài xây dựng dữ liệu lưới cho khí tượng Việt Nam của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Gần đây, tháng 11/2010, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu, phát triển hệ thống tính toán lưới để hỗ trợ giải quyết các bài toán có khối lượng tính toán lớn (mã số KC01.04/06-10). Đề tài đã xây dựng được mạng VNGrid, kết nối với mạng PRAGMA (của châu Á - Thái Bình Dương). Đề tài này đã được triển khai tính toán khai thác trên mạng một số bài toán như: dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn; mô phỏng y sinh, dự đoán dịch bệnh; phần mềm thực tại ảo về di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám; mô phỏng một số động thực vật quý hiếm ở nước ta… 

    Tuy nhiên, đa số những công việc kể trên lại không được thực hiện đến nơi đến chốn, triển khai rất sớm nhưng bỏ giữa chừng, nghiên cứu xong rồi để đấy... Chẳng hạn, đến nay, không biết lấy nguồn kinh phí nào để duy trì mạng VNGrid hoạt động và cũng không ai biết "số phận" mạng VIP đến đâu?! Có lẽ vì ở nước ta TTM chưa được hiểu một cách thấu đáo về khái niệm, chưa được xem là một mô hình chứa nhiều công nghệ tiện ích, mà chỉ nhìn thấy nhiều rủi ro về an toàn bảo mật thông tin. Các trường đào tạo nhân lực CNTT, ngay ở bậc đại học cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này. Các công ty về TTM của nước ngoài hoạt động ở nước ta thì phần lớn đang cung cấp các sản phẩm dịch vụ TTM chứ chưa đưa ra các giải pháp thích hợp triển khai hiệu quả mô hình TTM.

    Trong tính toán mây, người dùng vẫn có quyền sở hữu, sử dụng và kiểm soát dữ liệu của mình; họ cũng có quyền được biết nhà cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ bảo mật nào trong "mây" phục vụ mình.

    Cần nghiên cứu chiến lược khả thi

    Từ đó, một công việc có tính cấp bách được đặt ra là nghiên cứu xây dựng chiến lược TTM tổng thể mà trước mắt là xây dựng chiến lược TTM khả thi cho CPĐT ở nước ta. Mục tiêu là tìm cách đưa một mô hình tính toán thích hợp, chi phí thấp, linh hoạt, thân thiện với môi trường… vào quy trình xây dựng CPĐT nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ CNTT cho các cơ quan CP. 

    Để có một chiến lược khả thi cần tổ chức điều tra cơ bản hệ thống tính toán của CPĐT trong hệ thống CP, Đảng, Quốc hội: phần cứng, mạng, trung tâm dữ liệu, phần mềm, phần mềm dịch vụ, phần mềm nguồn mở, đội ngũ nhân sự… Đã có một số nơi khai thác dịch vụ TTM theo một mô hình như SaaS, FaaS, IaaS. Cần phân tích kỹ để rút ra bài học đầu tư hiệu quả như: chi phí, bảo trì, năng lượng… Đặc biệt là cách thức từng bước chuyển từ môi trường hiện hữu sang môi trường mây. Nội dung chiến lược bao gồm những vấn đề cơ bản của TTM như: khái niệm, các loại hình dịch vụ: Saas, FaaS, IaaS; mô hình mây: riêng (private), công cộng (public), liên kết (community), kết hợp (hybrid)… 

    Mặt khác, phải phân tích lợi hại của TTM: hiệu quả, linh hoạt, mềm dẻo, giảm chi phí, giảm năng lượng; vấn đề bảo mật, an toàn thông tin… Đồng thời, cần phân tích nhu cầu chuyển qua mô hình mây của các ngành, các tổ chức; mô hình thích hợp cho các loại hình tổ chức, các bước đi thích hợp. Khi nhu cầu xây dựng trung tâm dữ liệu ngày càng lớn, việc đầu tư sẽ tốn không ít tiền của. Vì thế, chiến lược cần có sự đánh giá nhu cầu về trung tâm dữ liệu của tất cả các ngành và định hướng cho việc xây dựng hay là thuê và thuê ở mức nào? Chẳng hạn, những đối tượng không đòi hỏi bảo mật cao có thể thuê ngoài dịch vụ TTM hay đầu tư máy chủ, không phải nơi nào cũng cần, rồi hàng năm phải nâng cấp… 

     

    Chiến lược cũng cần chỉ ra sườn công việc cần tiến hành trong từng giai đoạn và trách nhiệm của từng tổ chức. Để tiết kiệm ngân sách, trong các phương án đầu tư xây dựng hạ tầng, cần xem xét phương thức xây dựng mô hình TTM và ưu tiên cho những dự án thực hiện theo phương thức này. Cần đề xuất việc đào tạo cán bộ về tính toán lưới, TTM từ đại học đến sau đại học, nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo. Tính toán lưới, TTM là một ngành học riêng hay là một học phần trong một ngành học nào đó thuộc CNTT? 

    Cần có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu những vấn đề khoa học trong tính toán lưới, TTM. Ngoài ra, cần có dự án áp dụng cho những kết quả nghiên cứu của đề tài KC01-04/06-10… Cần tổ chức nghiên cứu bổ sung những điều khoản về TTM trong luật CNTT-TT. Không thể thiếu sự cân nhắc chọn lựa nơi (hãng) cung cấp dịch vụ TTM. Mỗi hãng cung cấp dịch vụ TTM đều có chiến lược phát triển TTM của mình. IBM có giải pháp đóng gói sẵn “IBM cloud burst”, Microsoft thì có Microsoft-V Cloud để xây dựng mây riêng, nhưng chỉ hoạt động với Windows, không tương thích với bất kỳ mây nào khác, kể cả Amazon EC2. Tuy nhiên, Microsoft đang cùng với các đối tác (Hyper-VCloud) như Dell, Fujitsu, Hitachi Ltd, HP, IBM, NEC… xây dựng một phần mềm cho mây riêng. Các hãng Intel, Cisco, HP… cũng đều có chiến lược của riêng mình. Có thể xem những điều nêu trên là những gợi ý về các biện pháp cần quan tâm để triển khai chiến lược. 

    Để nhanh chóng giải đáp vấn đề đặt ra, nên chăng Nhà nước giao Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng đề tài nghiên cứu về chiến lược TTM.

    Nguồn PCWorld Việt Nam

     

Hỗ trợ khách hàng

Hồ Hải Long: 0948.115.507

Add: 87 Minh Khai, TP Vinh, Tỉnh Nghệ An
Tel: 0948.115.507
Website: www.ivinh.com
Chờ quảng cáo